Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới tại Việt Nam hiện sở hữu nhiều tiềm năng tăng trưởng vượt bậc. Hãy nhanh tay tìm hiểu bí quyết tận dụng cơ hội này để phát triển kinh doanh quốc tế và xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài một cách hiệu quả.
1. Tổng quan TMĐT xuyên biên giới
Bức tranh về ngành TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam đang có nhiều điểm sáng. Theo báo cáo của đơn vị tư vấn Access Partnership (Anh Quốc), kim ngạch xuất khẩu từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng (Business-to-Consumer, gọi tắt là B2C) qua kênh TMĐT xuyên biên giới của Việt Nam đạt đến 3,5 tỷ đô la Mỹ trong năm 2022, chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm. Cũng theo đơn vị này, Việt Nam được dự báo sẽ ghi nhận doanh thu xuất khẩu qua TMĐT ở mức 5,5 tỷ đô la Mỹ vào năm 2027.
Dư địa của TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam còn rất lớn, đặc biệt là sân chơi này không chỉ dành cho các tập đoàn có quy mô mà ngay cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể tiếp cận. Đây chính là thời điểm hoàn toàn phù hợp cho những nhà bán hàng nung nấu ý định phát triển kinh doanh quốc tế chủ động “hội nhập” càng sớm càng tốt.
2. Hãy nắm rõ thị trường và khách hàng mục tiêu
Việc nghiên cứu và hiểu rõ thị trường mục tiêu là rất quan trọng để tiếp cận khách hàng quốc tế tiềm năng với sản phẩm nhằm thỏa mãn đúng nhu cầu. Nhà bán hàng quốc tế có nhiều cách để làm khảo sát thị trường, ví dụ như:
- Đọc các báo cáo thị trường của các tổ chức đại diện trong ngành hoặc công ty tư vấn chuyên môn
- Tổng hợp dữ liệu công khai từ các đối thủ cạnh tranh và đối tác tiềm năng.
- Theo dõi hành vi của khách hàng tiềm năng trên Internet, mạng xã hội
- Phân tích dữ liệu từ các công cụ tìm kiếm như Google hay Bing.
- Thuê dịch vụ làm khảo sát trực tiếp bằng phỏng vấn, điện thoại, nhóm tập trung.
- Từ quá trình khảo sát, nhà bán hàng có thể dễ dàng nhận ra các xu hướng chủ đạo trong ngành:
- Đối tượng khách hàng phổ biến
- Thói quen mua sắm và tiêu dùng
- Thời gian giao hàng mong muốn. Ví dụ, tốc độ vận chuyển nhanh thường được ưa chuộng, với 41% khách hàng muốn nhận được hàng trong vòng 24 tiếng (Statista 2022).
Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu hàng ra nước ngoài cần tìm hiểu các quy cách, tiêu chuẩn sản phẩm và quy định đặc thù ở từng địa phương nhằm hạn chế rủi ro pháp lý liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, chất lượng hàng hóa, các luật lệ về chống cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tại thị trường mục tiêu.
Sau khi tổng hợp các yêu cầu của chính quyền địa phương, kết hợp với nhu cầu đặc trưng của khách hàng mục tiêu, doanh nghiệp có thể cần điều chỉnh các dịch vụ hoặc sản phẩm của mình cho phù hợp.
3. Chọn thời điểm tốt để bán hàng ra nước ngoài
Nhà bán hàng nên tìm hiểu và xác định đâu là lúc phù hợp để tiếp cận người mua hàng ở nước ngoài. Có thể bắt đầu với các câu hỏi như: Khi nào khách hàng có nhu cầu mua? Mùa kinh doanh thấp điểm và cao điểm rơi vào những tháng nào? Doanh nghiệp cần phân tích thời điểm tốt khi nhu cầu tăng cao, nhất là với loại hàng có tính thời vụ. Ví dụ, khi bán hàng handmade trang trí Noel ra nước ngoài, bạn nên dự trù đủ thời gian vận chuyển và quảng bá sản phẩm, để hàng bán chạy lúc nhu cầu tăng cao vào cuối năm.
Doanh nghiệp cũng có thể kích thích nhu cầu lúc thấp điểm bằng cách nghiên cứu thị trường sâu hơn và có những chiến dịch tiếp thị trực tuyến sáng tạo. Với ví dụ đồ trang trí trên, doanh nghiệp có thể khám phá và cân nhắc một số thị trường ngách như tổ chức tiệc theo chủ đề Noel, sự kiện cosplay và hóa trang, v.v. nhằm khai thác thêm nhu cầu tiềm năng của khách hàng.
Mẹo hay dành cho bạn: Hãy lên lịch theo dõi các mùa ưu đãi, ngày lễ tết trong cả năm để dự trù kế hoạch nắm bắt thời cơ tăng doanh thu.
4. Bán hàng online ra nước ngoài - tại sao khách hàng muốn mua từ bạn?
Dù là nhà bán hàng nhiều kinh nghiệm hay doanh nghiệp chỉ mới bắt đầu hành trình này, bạn luôn cần nắm rõ và linh hoạt thích nghi với sự thay đổi trong các yếu tố ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng của khách hàng. Để thành công chinh phục một thị trường mới, hãy phát triển và quảng bá lợi thế cạnh tranh riêng biệt, ví dụ như:
- Sản phẩm độc đáo, mới lạ và có chất lượng cao
- Hình thức mua hàng đơn giản, nhanh chóng từ chọn hàng đến thanh toán.
- Sử dụng đơn vị tiền tệ địa phương trong thanh toán
- Dịch vụ chăm sóc khách hàng tận tâm
- Chính sách đổi trả thuận tiện
- Giao hàng quốc tế nhanh chóng
- Tùy chọn giao hàng linh hoạt do người nhận quyết định
5. Các kênh bán hàng quốc tế phổ biến
1. Nền tảng TMĐT xuyên biên giới
Doanh nghiệp có thể dễ dàng tạo tài khoản người bán trên một số nền tảng lớn sau:
- Amazon: chiếm vị thế hàng đầu tại Mỹ, Đức, Anh, và Nhật (Innovell)
- Alibaba: có thị trường lớn nhất tại Trung Quốc, Nga, và Tây Ban Nha (Statista)
- Etsy: nổi trội tại Mỹ, Anh, Canada, Úc (Koalanda)
- Ebay: đối tác bán hàng phần lớn từ Mỹ, Anh, Đức, và Trung Quốc (Statista 2020)
Lợi thế:
Nhanh chóng và dễ dàng tiếp cận lượng khách hàng toàn cầu cao nhất, không cần hiểu biết nhiều về công nghệ thông tin, tận dụng quy trình thanh toán và giao trả hàng của nền tảng công nghệ cao.
Thách thức:
Số lượng nhà bán hàng đông đảo, khó tạo sự chú ý đến thương hiệu nếu giá cả hoặc dịch vụ chưa đủ cạnh tranh.
2. Mạng xã hội
Các mạng xã hội phổ biến như Facebook và Instagram có tích hợp nền tảng TMĐT, cho phép người bán hàng nước ngoài kết hợp làm tiếp thị và bán hàng trực tuyến.
Lợi thế:
Lượng khách hàng tiềm năng rất cao và nhiều tương tác trực tiếp, giúp doanh nghiệp hiểu rõ nhu cầu khách hàng. Khá phù hợp cho một số ngành hướng đến tệp khách hàng trẻ như thời trang, mỹ phẩm, tiện ích gia đình, v.v.
Thách thức:
Doanh nghiệp cần có khả năng và kinh phí chạy chiến dịch tiếp thị trên mạng xã hội. Ngoài ra, những kênh này có thể không phù hợp cho một số ngành mà khách hàng tiềm năng ít sử dụng hoặc không có thói quen tiêu dùng trên mạng xã hội, ví dụ như người trung niên, khách hàng doanh nghiệp (B2B).
3. Trang web riêng
Doanh nghiệp có thể tạo trang web riêng liên kết với các công cụ TMĐT như Shopify và WooCommerce, từ đó hoàn toàn chủ động trong cách giới thiệu và trưng bày sản phẩm, quy trình và chi phí vận chuyển hàng hóa.
Lợi thế:
Chủ động hơn trong vận hành kinh doanh, quảng bá sản phẩm, phân tích và thấu hiểu hành vi mua sắm của khách hàng thông qua các công cụ phân tích trang web sẵn có. Đặc biệt phù hợp cho doanh nghiệp mong muốn tạo thương hiệu nổi bật riêng.
Thách thức:
Lập trình và thiết kế trang web cần thời gian và kinh phí.
6. Cách quảng bá thương hiệu ra nước ngoài cho nhà bán hàng Việt Nam
Để vươn ra thị trường quốc tế, doanh nghiệp cần triển khai chiến dịch tiếp thị nhằm kết nối sản phẩm đến đúng đối tượng khách hàng mục tiêu. Các nền tảng TMĐT, mạng xã hội, và trang web đều có thể hỗ trợ thu thập dữ liệu khách hàng, chẳng hạn như lượng khách viếng thăm và đặt hàng theo thời gian, sở thích, nhu cầu v.v. Với dữ liệu này, kết hợp cùng khảo sát đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp có thể đẩy mạnh các hoạt động:
- Xây dựng thương hiệu đặc trưng cho ngành mà vẫn mang tính khác lạ
- Tối ưu danh sách sản phẩm với tên gọi dễ nhớ, hình ảnh bắt mắt, thông tin miêu tả ngắn gọn
- Lấy ý kiến và cảm nhận từ những khách hàng hài lòng với sản phẩm
- Tổ chức các chương trình ưu đãi, giảm giá và chạy quảng cáo trên các nền tảng và mạng xã hội
- Tham gia triển lãm thương mại, sự kiện chuyên ngành để tăng thêm mức độ uy tín